Có thể ở quan niệm cá nhân mỗi người sẽ có khái niệm và cách hiểu khác nhau về sống đẹp; với tôi,áchgửiyêuthươcoffe sống đẹp là sống không ích kỷ, tư lợi, sống không theo chủ nghĩa cá nhân, biết mở rộng lòng mình để thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương. Sống đẹp là hướng cái tâm của mình tới những điều tốt đẹp thiện lương. Khi sống đẹp bạn sẽ thấy lòng mình cởi mở hơn, yêu đời hơn, và cuộc sống cũng sẽ tươi đẹp hơn.
Sống đẹp được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, trong những mối quan hệ ở gia đình và trong xã hội. Cá nhân tôi không tự nhận mình sống đẹp, nhưng tôi đang sống và làm việc trong một tập thể sống đẹp, đó là Trường THPT Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.
Trường THPT Đa Phước đóng trên địa bàn xã, nơi có nhiều hộ gia đình khó khăn. Học sinh của trường đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên việc đầu tư cho con em đi học còn nhiều hạn chế.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của mỗi em học sinh, tập thể sư phạm nhà trường đã luôn đồng lòng đoàn kết xây dựng quỹ bữa cơm tình thương dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có học lực khá giỏi. Bữa cơm trưa ấm tình thầy trò đến hôm nay, sau hơn 10 năm lan tỏa, vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh nghèo hiếu học đang theo học tại trường.
Nối tiếp những việc làm có ích của mỗi tấm lòng thầy cô giáo tại trường là chương trình "Gian hàng sách 0 đồng" với thông điệp trao sách gửi yêu thương tới các em học sinh không có điều kiện mua sách giáo khoa, dụng cụ học tập, cũng là để hướng các em tới phương châm sống thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Như chúng ta biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì một bộ sách giáo khoa lên tới 500.000 - 600.000 đồng/bộ, và sách thì có nhiều bộ như Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức từ nhiều nhà xuất bản.
Những thế hệ của tôi và trước kia, một bộ sách giáo khoa được truyền tay nhau cho mấy anh em cùng học. Còn nay chỉ một mình nhưng có khi phải mua hai đến ba bộ sách, vì nếu chuyển trường thì có thể mỗi trường sẽ chọn dạy mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau. Câu hỏi đặt ra, nếu một gia đình khó khăn có tới 3 – 4 người con đi học thì việc chuẩn bị sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập cho các con là một áp lực không hề nhỏ.
Hiểu và thấy được hiện trạng khó khăn mà học sinh của mình đang gặp phải, nên từ cuối tháng 5.2023 tổ ngữ văn dưới sự điều hành của cô Hồ Thị Ngọc Dung - tổ trưởng đã phối hợp với thư viện trường lập kế hoạch trình lên thầy hiệu trưởng về việc quyên góp sách giáo khoa cũ từ các em học sinh trong trường, sách sau khi được quyên góp sẽ chuyển về phòng thư viện.
Hình ảnh thầy cô giáo tổ văn cần mẫn ngồi soạn và phân loại sách theo môn, theo khối thật đẹp biết bao. Thầy cô vuốt ve chỉn chu những trang sách bị quăn mép, nâng niu chỉnh sửa từng trang sách như đang nâng niu từng ước mơ của mỗi em học sinh. Từ kế hoạch nhỏ này của tổ ngữ văn và thư viện trường đã kết nối được những đóng góp của nhiều học sinh trong trường. Đến tháng 7.2023, thầy Đặng Nguyễn Anh Huy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước đã kiến nghị đổi từ chương trình quyên góp sách cũ thành "Gian hàng sách 0 đồng" với thông điệp trao sách gửi yêu thương.
Một buổi chiều tháng bảy nắng nóng, một mình thầy Huy khiêng cái pano quảng cáo cho gian hàng sách lên thư viện trên lầu 2. Tổ tin học đã thiết kế pano này, và thầy đã cho in ra làm quảng cáo cho gian hàng sách để nhiều học sinh được biết đến chương trình này hơn... Từ đó chương trình "Gian hàng sách 0 đồng" của Trường THPT Đa Phước chính thức ra mắt và tiếp nhận các loại sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, dụng cụ học tập từ quý thầy cô trong trường, của phụ huynh và các em học sinh.
Do mới năm đầu thực hiện nên còn nhiều phụ huynh và các em học sinh chưa biết đến chương trình trao tặng sách. Mặt khác, một số em học sinh mặc cảm, e ngại hoàn cảnh của mình nên chưa dám đón nhận. Một số em học sinh hỏi: "Cô ơi vô năm học rồi, các bạn đã có đủ sách sao cô không dẹp đi?". Tôi trả lời: "Mình sẽ để gian hàng như vậy luôn để các bạn biết đến chương trình và nếu có bạn nào không may làm mất sách thì lên cô tặng cho các bạn có sách học". Lại cũng có em hỏi: "Cô ơi! Sách giáo khoa lớp 12 là chương trình cũ rồi, vậy năm sau mình không gom nữa phải không cô?", "Đâu có đâu em, mình vẫn tiếp tục gom nha, sách cũ không học nữa mình sẽ cân giấy bán cho mấy cô thu mua giấy cũ, lấy kinh phí mua dụng cụ học tập để tặng các bạn. Mỗi một vật đều có giá trị riêng của nó, ở tùy từng thời điểm hoàn cảnh mình sẽ sử dụng giá trị của nó theo cách khác nhau, không có vật gì là bỏ đi cả, đó chính là bài học về tiết kiệm", tôi trả lời.
Là một nhân viên thư viện của trường nên mỗi ngày tôi phụ trách việc tiếp nhận những yêu thương được gửi qua những trang sách, và tôi cũng là cầu nối trao gửi những yêu thương đó tới phụ huynh và các em học sinh. Một ngày giữa tháng 7, một học sinh cũ đã ra trường cách đây 3 năm, hiện em là sinh viên năm ba của Trường ĐH Luật, trở về trường thăm tôi và mang theo cả thùng đồ. Khi mở ra em nói rằng số sách này em tặng cho thư viện trường, còn 40 quyển tập em tặng "Gian hàng sách 0 đồng" nhờ cô trao gửi cho các bạn, nhưng em xin được giấu tên…
Thật vui và cảm động khi những học trò được đào tạo trong ngôi trường của mình trở về góp sức cùng trường xây dựng những nét đẹp tình người phải không các bạn? Em chào tôi ra về trong bóng chiều ngả nắng, tôi thầm nghĩ vậy là từ đây hành trình đến trường của các em học sinh Trường THPT Đa Phước sẽ vững chắc hơn, chúng ta đã ấm no cái bụng để học hành từ "Bữa cơm tình thương", lòng lại yên tâm khi đã có đầy đủ sách vở để học mỗi khi đến lớp trong "Gian hàng sách 0 đồng". Tất cả những điều đó được xây dựng từ sự đồng lòng đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên, hướng tới xây dựng một ngôi trường không những giàu về thành tích mà còn đong đầy những yêu thương.