Nhằm củng cố nền kinh tế đang bị lo ngại có thể kết thúc năm nay trong suy thoái,Đứctunggóitrợgiáđiệntỷeurochongànhsảnxuấgrande Đức vừa công bố một gói cứu trợ khổng lồ, bao gồm cắt giảm thuế điện cho lĩnh vực sản xuất. "Chỉ trong năm tới, khoản cứu trợ sẽ lên tới 12 tỷ euro", Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận.
Cụ thể, vào năm 2024 và 2025, thuế điện sẽ được cắt giảm từ mức 1,537 cent mỗi kilowatt hiện tại xuống 0,05 cent cho lĩnh vực sản xuất, tương đương mức tối thiểu của Liên minh Châu Âu. Chính phủ Đức cho biết việc giảm thuế có thể được gia hạn thêm 3 năm.
Các công ty sử dụng nhiều năng lượng và dễ bị tổn thương nhất trước cạnh tranh quốc tế cũng sẽ được hoàn trả các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh khí thải. Gói cứu trợ này được chốt sau nhiều tuần thảo luận giữa ngành sản xuất và chính phủ Đức.
Kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sau cuộc chiến ở Ukraine, các công ty, đặc biệt trong lĩnh vực như sản xuất hóa chất và kim loại, đã phải vật lộn với giá điện tăng vọt. Chi phí điện cao hơn đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Đức trên toàn cầu.
Theo dữ liệu của Văn phòng thống kê liên bang Đức, sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 9 đã giảm 1,4% so với tháng 8. Tính chung quý III, sản lượng giảm 2,1% so với quý II. Theo Thomas Gitzel, Kinh tế trưởng tại VP Bank, nền kinh tế nặng về công nghiệp của Đức phụ thuộc vào sản xuất để tăng trưởng nhưng tình hình công nghiệp năm nay lại yếu.
Hôm 8/11, báo cáo thường niên của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết nền kinh tế này sẽ suy thoái năm nay và chỉ phục hồi nhẹ vào 2024. Họ dự kiến GDP Đức 2023 sẽ giảm 0,4%, tương đồng với dự báo của chính phủ.
Các chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng và thu nhập thực tế giảm do lạm phát vẫn đang đè nặng lên triển vọng kinh tế ngắn hạn. Lãi suất cao cũng đang gây thiệt hại cho hoạt động xây dựng và đầu tư.
Năm 2024, các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng là 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức 1,3% mà chính phủ dự kiến. Do đó, triển vọng tăng trưởng trung hạn đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, theo báo cáo.
Monika Schnitzer, Chủ tịch hội đồng, cho rằng để khắc phục tình trạng tăng trưởng yếu, Đức phải đầu tư vào tương lai. "Điều này đòi hỏi năng suất cao hơn thông qua đổi mới, đầu tư và tính năng động hơn trong các công ty khởi nghiệp", ông nhận định.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tin tưởng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024 thông qua một gói biện pháp thúc đẩy đầu tư. "Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ đi đúng hướng tăng trưởng trong tương lai và muốn thấy điều đó vào 2024", ông nói.
Phiên An(theo AFP, Reuters)