Sẽ tái diễn cảnh ùn tắc đến năm sau ?Đitrướcmộtbướcđểtránhùntắcđăngkiểvinaphone gần nhất
Tháng 6.2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư 08/2023 cho phép ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được tự động giãn chu kỳ kiểm định, chủ xe không phải đưa phương tiện đi đăng kiểm. Quy định này giúp hơn 1,4 triệu phương tiện được tự động giãn chu kỳ, nhưng đến đầu tháng 12, khi hết thời hiệu gia hạn nói trên, nhiều xe sẽ phải quay trở lại kiểm định.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện nay trên cả nước có 271/288 trung tâm đăng kiểm (TTĐK), với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất phục vụ đạt trung bình tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện. Trong 2 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 677.802 xe cơ giới đến hạn kiểm định, cụ thể tháng 11 có 275.853 xe, tháng 12 có 401.949 xe. Sang năm 2024, số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất là vào tháng 7 với số phương tiện đăng kiểm dự kiến là 503.276 xe. Như vậy, tính số liệu chung, năng suất kiểm định của hệ thống đăng kiểm vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý, dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong tháng 12.2023, tại 7 tỉnh, TP sẽ xuất hiện nguy cơ ùn tắc kiểm định, gồm: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Sang năm 2024, liên tiếp các tháng 1, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12 sẽ có thêm 4 địa phương khác cũng có nguy cơ ùn tắc như trên. Chưa kể, thời gian tới, nhiều TTĐK sẽ bị tạm dừng hoạt động do các đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố được xét xử, khi có bản án sẽ bị thu hồi chứng chỉ ĐKV, cứ một TTĐK có 2 ĐKV bị thu hồi chứng chỉ trong 12 tháng sẽ bị tạm dừng hoạt động 3 tháng. Điều này dẫn đến thống kê sẽ có khoảng 31 tỉnh thành rơi vào tình trạng quá tải đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm VN thông tin với việc hàng loạt ĐKV bị khởi tố, mặc dù Cục đã liên tục tổ chức các đợt đánh giá, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, song đến năm 2026 vẫn chưa thể bù được số ĐKV bị thiếu hụt. Nếu không có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, chủ động các giải pháp, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới ở các địa phương thời gian tới là hiện hữu. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cũng thông tin: Hiện vẫn còn nhiều TTĐK đang bị cơ quan công an các địa phương điều tra, xác minh, khả năng trong thời gian tới có thể sẽ có thêm các lãnh đạo và ĐKV bị khởi tố, thậm chí có thể bị tạm giam, nên số lượng ĐKV có thể sẽ tiếp tục bị thiếu hụt và khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân sẽ sụt giảm. Bên cạnh đó, khi các ĐKV bị đưa ra xét xử cũng sẽ tạo tâm lý bất ổn, áp lực cho những ĐKV khác đang làm việc, dẫn đến năng suất, hiệu suất kiểm định bị suy giảm.
Tại TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT, nhận định TP chắc chắn sẽ tái diễn ùn tắc đăng kiểm. Hiện, mỗi ngày TP có khoảng 150 - 200 xe mới đăng kiểm, những xe hết hạn kiểm định thời gian tới sẽ khiến nhu cầu kiểm định nóng lên. Sở GTVT TP.HCM đang tập trung hết sức để tìm nguồn nhân lực bổ sung vì 3 trạm ở TP có 14 ĐKV bị truy tố.
Chủ động đăng kiểm để tránh kẹt
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, nhận định: "Với số liệu dự báo các phương tiện đến hạn đăng kiểm được công bố, có thể nhìn thấy mức độ chênh lệch ở nhiều địa phương nhưng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế thì có thể xảy ra nhiều tình huống khó lường, ví dụ như rớt kiểm định nhiều lần. Vì vậy tình hình ùn tắc tại TTĐK nhiều khả năng sẽ tái diễn cục bộ. Các cơ quan quản lý cần có giải pháp "đi trước một bước" để tránh bị động. Riêng với các hội viên, các doanh nghiệp vận tải, chúng tôi cũng khuyến cáo nên chủ động đưa phương tiện đi đăng kiểm sớm, tránh tình trạng đợi gần hết hạn mới đi kiểm định".
Tương tự, một số hiệp hội vận tải ở địa phương đã khuyến cáo chủ phương tiện nên đưa các xe sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm chọn thời điểm kiểm định sớm để tránh tình trạng tập trung vào cùng một thời điểm; chủ động khi trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định. Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM đang đề nghị các cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô 3S, 4S của các hãng xe trên địa bàn xem xét cử các kỹ thuật viên có thâm niên sửa chữa ô tô đi tập huấn để khi nhu cầu tăng cao sẽ có lực lượng ĐKV bù vào số lượng thiếu hụt.
Cục Đăng kiểm VN đã có thông báo tuyên truyền tới các hiệp hội vận tải ô tô, logistics, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện thực hiện một số giải pháp tránh ùn tắc và tiết kiệm thời gian như: Chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định để tránh có kết quả kiểm định không đạt phải khắc phục sửa chữa nhiều lần tạo thêm tình trạng ùn tắc, mất thời gian công sức không đáng có của chủ phương tiện, gây ảnh hưởng đến phương tiện khác và tạo thêm áp lực cho TTĐK; chủ động linh hoạt trong việc đăng ký đặt lịch hẹn trước qua phần mềm đặt lịch hẹn kiểm định phương tiện của Cục Đăng kiểm và các hình thức đăng ký trực tiếp nhằm tiết kiệm thời gian, sự vất vả cho người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Tại hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ đạo nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với vấn đề nhân lực ĐKV, cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, tập huấn theo hướng rút gọn thời gian tập huấn, nhất là đối với các kỹ sư ô tô, cơ khí ô tô để nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hệ thống kiểm định. Cục Đăng kiểm chủ động xây dựng nguồn nhân lực mới để bù cho số ĐKV bị khởi tố, nghỉ việc, đồng thời yêu cầu các địa phương, các TTĐK phải hỗ trợ nhau trong điều tiết nhân sự ĐKV của các tỉnh thành, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần làm đêm, tăng ca 3 kíp, 4 kíp để không tạo điểm nóng, làm phức tạp tình hình.
Các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của Bộ GTVT và hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; nghiêm cấm việc từ chối cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đối với các trường hợp có lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng đã có trong quy định (như: thay đổi lưới tản nhiệt cùng kích thước, biển số lắp đặt không chắc chắn...); thực hiện việc tổ chức cho chủ phương tiện đăng ký trực tiếp thông qua cấp phát số thứ tự, trực tuyến qua ứng dụng phần mềm và các hình thức phù hợp khác để đảm bảo công tác kiểm định phục vụ người dân được nhanh chóng, thuận lợi và khoa học; tránh tình trạng nhân viên TTĐK, "cò xe" tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí "xếp lốt" phương tiện để kiểm định không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Cục Đăng kiểm VN